Theo “đường” giáo dục thường xuyên cũng thành tài

Thứ hai - 07/08/2017 03:13
PN - “Vào trung tâm giáo dục thường xuyên là đường cùng!” là tâm lý khá phổ biến ở đa số học sinh và phụ huynh, nhưng thực tế gần đây đã chứng minh ngược lại…

“Bến đỗ” của học sinh tỉnh

Trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX) Q.10 vừa tiếp nhận tám học sinh (HS) giỏi từ Trường THPT Tân Hồng - Đồng Tháp chuyển lên xin học lớp 12. Em Huỳnh Hoài Phong Sơn - một trong tám HS nói trên, cho biết: “Tuy trong hai năm lớp 10 và 11, học lực của em loại giỏi, nhưng năm nay lên lớp 12, em quyết định chuyển qua GDTX để có thời gian chuẩn bị cho thi cử”. Bạn cùng lớp với Sơn là Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng khẳng định: “Em học và thi cả hai khối A (ĐH Kinh tế) và C (ĐH Luật), nên chuyển sang học GDTX để có thời gian ôn thi”. Nhung cho biết thêm, quyết định chuyển sang học GDTX được bố mẹ em đồng ý, các thầy cô giáo cũng không cản. Chị Kim Quê - phụ huynh (PH) em Huỳnh Quốc Cường, một HS cùng nhóm - cho biết: “Mấy em chuyển lên đó học đều có kết quả tốt, có em đậu Bách khoa, có em đậu Y-Dược”.

Cô Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc TT GDTX Q.10 cho chúng tôi xem học bạ của một lớp 12 nâng cao đang chuẩn bị dự thi ĐH. Lớp này có 31 HS từ các tỉnh chuyển lên, trong đó có chín HS từ Đồng Tháp, sáu HS từ Đồng Nai, số còn lại đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Kon Tum, Bình Định và cả các trường tư thục tại TP.HCM. Các em đều có học lực trung bình năm 12 từ 8,4 trở lên. Em Hồ Thiên Nga chuyển ra từ Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký kể: “Lớp 10 và 11 em học tại Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký. Lên lớp 12, học hành nặng nề quá, em lại bị suy nhược thần kinh, nên quyết định chuyển ra GDTX học một buổi cho nhẹ nhàng, buổi còn lại em luyện thi”. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Thiên Nga đạt 52 điểm. Hiện em đang ôn luyện cho kỳ thi vào ĐH Y Dược. Tương tự, em Trần Thị Mỹ Hạnh - một HS chuyển ra từ Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến, cũng đang quyết tâm cho cả hai khối thi là A (ĐH Bách khoa) và B (ĐH Y Dược). Ông Trần Hưng Phát - PH em Mỹ Hạnh, phân trần: “Ai cũng lo môi trường GDTX không tốt, nhưng trước khi cho con chuyển ra, cha con tôi đã ba lần đến tận nơi để tìm hiểu và thấy rất yên tâm”.

Thống kê tại TT GDTX các quận 1, 3, 4, 10, Thủ Đức, số HS có hộ khẩu ngoài TP.HCM đang theo học chiếm khoảng 40-50% tổng số HS.

HS TT GDTX Q.3 mặc đồng phục như HS phổ thông. Đây là một trong những trung tâm có chất lượng giảng dạy - Ảnh: Trần Huy

Vẫn đến đích

Không riêng TT GDTX Q.10, tại nhiều TT GDTX khác như Q.1, Q.3, Q.12, Thủ Đức… cũng có nhiều HS thi đậu ĐH. Ông Lê Văn Ánh - nguyên là chuyên viên tổ phổ thông của Phòng GD-ĐT Q.3 tâm sự: “Tôi làm trong ngành, thấy rất rõ những khuyết tật của chương trình giáo dục hiện nay, nên cách đây vài năm vợ chồng tôi quyết định chuyển cháu từ trường phổ thông ra TT GDTX Q.3. Tôi tính, có học thêm bốn năm phổ thông nữa thì con tôi cũng vẫn lơ mơ về vi tính, tiếng Anh cũng không nói được, trong khi hai công cụ này lại rất cần để hội nhập. Vậy là tôi chuyển cháu ra TT GDTX học buổi tối, ban ngày một buổi học bác sĩ máy tính, một buổi học ngoại ngữ. Đúng như tính toán, chỉ sau một năm cháu có bằng bác sĩ máy tính và sau ba năm thì tiếng Anh khá hẳn lên. Năm ngoái, cháu thi ĐH đạt điểm sàn nhưng tôi quyết định cho cháu học Trường CĐ SaigonTech để có thể tiếp tục du học vào năm sau".

Ban giám đốc TT GDTX Q.1 cho biết, cách nay chưa lâu, nguyên giám đốc TT này đã chuyển con từ THPT ra học GDTX và HS này đã đỗ thủ khoa vào ĐH Thủy sản.

“Ưu điểm dễ thấy nhất của GDTX là chỉ học bảy môn bắt buộc (gồm toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa), HS học một buổi, lại có thể chọn học buổi sáng, buổi chiều hoặc buổi tối, thời gian còn lại rất dễ sắp xếp cho việc đi làm hoặc ôn luyện. Chất lượng giảng dạy ở từng môn cũng chẳng kém gì phổ thông” - thầy Lâm Kế Chí - Giám đốc TT GDTX Q.1, cho biết.

“Do những năm gần đây HS GDTX được “trẻ hóa”, đa phần HS ở độ tuổi phổ thông, nên nhiều TT GDTX đã có những thay đổi về hình thức như cho HS mặc đồng phục, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ, thể dục thể thao, văn nghệ, hội trại và các hoạt động xã hội… phù hợp với tâm lý lứa tuổi, nhằm giúp các em có sân chơi để thể hiện mình và tự tin hơn. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu: về hoạt động ngoại khóa, các trường THPT có gì thì GDTX cũng phải tổ chức cái đó”- thầy Võ Ngọc Sơn - Giám đốc TT GDTX Q.3, cho biết.

Học phí ở hệ GDTX lại rất mềm, 45.000đ/ tháng ở THCS và 65.000đ/tháng ở bậc THPT, nếu cộng cả tiền tăng tiết và tiền học các môn nhiệm ý (tiếng Anh, tin học, giáo dục công dân) thì tổng số tiền học phải đóng cũng không quá 250.000đ/tháng. Ngoài ra, HS GDTX vẫn được thi nghề và được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp. Nếu có chứng chỉ A ngoại ngữ sẽ được cộng thêm một điểm và chứng chỉ A tin học sẽ được cộng thêm một điểm nữa. Tốt nghiệp GDTX, HS vẫn được dự thi ĐH-CĐ.

Các TT GDTX đang trở thành “đất lành” cho HS có ý thức học tập, giúp các em đi đến đích nhẹ nhàng hơn. Điển hình là SV Trần Kim Yến. Học hết lớp 9 phổ thông, Yến nghỉ học văn hóa, chuyển sang học tiếng Anh và đi làm. Năm 2010, sau tám năm dang dở, Yến trở lại học lớp 10 tại TT GDTX Q.10 theo chương trình “hai năm ba lớp” rồi thi đậu vào ngành Ngữ văn Anh, Trường ĐH Mở TP.HCM năm ngoái. Trước đó em họ Yến là Hà Mỹ Phụng cũng học tại TT GDTX và thi đậu rất cao vào Khoa Tiếng Trung - ĐH Sư phạm. “Mọi người vẫn e ngại GDTX nhưng thật ra các thầy cô giáo ở môi trường này đều tốt nghiệp ĐH Sư phạm và đều có trình độ. Có lẽ, do xã hội không có thiện cảm với HS GDTX nên các thầy cô ở đây đã bù đắp cho tụi em bằng sự tận tâm, nhiệt tình. Em nghĩ, HS sẽ có rất nhiều thuận lợi khi theo con đường này nếu có ý chí”, Kim Yến nói.

Tổng hợp điểm tổng bình quân từ kết quả thi tuyển sinh ĐH năm 2012 tại TP.HCM cho thấy: trong số 216 đơn vị có HS dự thi thì TTGDTX Q.10 đứng ở vị trí 96, trên rất nhiều trường THPT công lập và tư thục khác. 24 TT GDTX còn lại của thành phố lần lượt ở các vị trí 120 (TT GDTX Nhà Bè), 136 (Thủ Đức), 137 (Q.6), 147 (Q.4), 154 (Q.3), 155 (Q.1), 159 (Tân Phú), 160 (Tân Bình), 162 (Q.8), 164 (Q.12)…

MINH NHẬT

Chất lượng chưa đồng đều

Năm 2011, tỷ lệ tốt nghiệp hệ GDTX của TP.HCM đạt 76,2%, năm 2012: 80,25%, năm 2013: 85,91%. Tuy có nhiều ưu điểm nhưng phần đông PH và HS thành phố lại e ngại không muốn vào học GDTX. Nguyên nhân, do trước đây các TT GDTX là bổ túc văn hóa, tức dành cho các đối tượng lớn tuổi, nên PH ngại. Bên cạnh đó còn do chất lượng của các TT GDTX không đồng đều. Một số TT GDTX các quận huyện như Q.4, Q.5, Nhà Bè, Bình Chánh, Q.11… có cơ sở vật chất còn khiêm tốn, đội ngũ giáo viên cơ hữu ít, thỉnh giảng nhiều nên chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau nên chất lượng giữa các TT chưa đồng đều. Trước đây, TT GDTX thuộc các quận huyện nên đội ngũ cán bộ quản lý ở nhiều nơi cũng chưa giỏi, năng lực quản lý yếu kém dẫn đến nhiều sai phạm. Tuy nhiên, theo đề án Xây dựng xã hội học tập đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2, sắp tới TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất và năng lực hoạt động của các TT GDTX.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,464
  • Tháng hiện tại34,496
  • Tổng lượt truy cập6,197,362

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây