Ảnh minh họa
GD&TĐ - Những lưu ý của TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - dưới đây sẽ giúp giáo viên dạy học theo nhóm hiệu quả hơn với mô hình Trường học mới.Tránh quá chú ý thảo luận nhóm, ít coi trọng học cá nhân
TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Cần khắc phục bằng được một trong những hạn chế phổ biến của học nhóm trong thực tế hiện nay là chú ý nhiều vào thảo luận nhóm, thảo luận lớp; ít coi trọng học cá nhân.
Biểu hiện cụ thể là không dành đủ thời gian cho hoạt động cá nhân (đọc, quan sát tranh ảnh, làm thí nghiệm, suy nghĩ, ghi chép...) trước khi thảo luận và thời gian để HS hoàn thiện sản phẩm học cá nhân sau khi tiếp thu góp ý, bình luận... của các bạn trong nhóm, trong lớp.
Lưu ý khi đặt câu hỏi
Khi HS thảo luận trong nhóm, tuỳ theo môn học, nội dung học mà GV gợi ý đối tượng hỏi - đáp phù hợp.
TS Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ kinh nghiệm của một GV tiểu học là: với môn Tập Đọc thì nên yêu cầu HS khá đặt câu hỏi để các em HS yếu hơn tìm câu trả lời; đây chính là cách để HS gợi ý cho bạn phải chọn đọc đoạn nào, nội dung nào, phải làm gì để tìm được câu trả lời.
Nhưng với môn Toán, Luyện từ và câu, Tập làm văn… thì lại khác, nếu em nào chưa hiểu chỗ nào thì sẽ hỏi bạn và có thể thảo luận để đi đến ý đúng về nội dung cần lĩnh hội.
Khi HS báo cáo trước lớp, GV nên gợi ý để các bạn trong nhóm khác đặt câu hỏi, nếu đại diện nhóm báo cáo không trả lời được thì gợi ý các em tìm sự trợ giúp từ phía các bạn trong nhóm, trong lớp; GV chưa trợ giúp vội.
Đối với nhiệm vụ (câu hỏi, bài tập) có kết quả rõ ràng và duy nhất thì HS cần thống nhất nhưng cần chia sẻ nhiều hơn về cách làm, cách tìm ra kết quả đó. Đối với nhiệm vụ “mở”, không có kết quả rõ ràng và duy nhất thì HS không cần thống nhất, chỉ đưa ra kết quả, trả lời và lý lẽ riêng phù hợp.
Chúng ta biết rằng HS luôn có tâm lý e ngại trước câu hỏi của GV do “sợ” cô giáo hơn các bạn “ngang hàng” với mình; do đó GV nên ưu tiên cho HS đặt câu hỏi thảo luận. Khi được trả lời câu hỏi của bạn thì HS sôi nổi hơn khi trả lời câu hỏi của GV.
GV đừng vội vàng đốt cháy giai đoạn, cần hướng dẫn kĩ cho HS để không ảnh hưởng đến tâm lí và kết quả học tập của HS. GV cần hướng dẫn cho HS quen dần với cách đặt câu hỏi, cách trả lời bằng chính việc làm mẫu.
Những buổi đầu HS của các lớp đầu tiểu học thường chỉ hỏi nhau vài câu “tại sao bạn lại làm như vậy”, “tại sao bạn có kết quả như vậy”... thì GV phải đóng vai là một HS và đưa ra những câu hỏi hay câu trả lời, sau đó yêu cầu HS nói lại; dần dần các em biết hỏi nhau, biết chia sẻ cho nhau một cách sôi nổi hơn và nhẹ nhàng, thoải mái, không bị căng thẳng, gò bó.
Lưu ý học nhóm với các đối tượng đặc thù
Ở lớp 1 (thường từ học kỳ II trở đi), HS đã có sẵn tiềm năng và nhu cầu học nhóm nhưng năng lực giao tiếp còn hạn chế, do đó TS Nguyễn Vinh Hiển gợi ý, GV nên khuyến khích và hướng dẫn cách học nhóm cặp đôi một cách tự nhiên giữa 2 HS ngồi cạnh nhau, không nhất thiết theo các bước quy định.
Ví dụ: Khi làm xong bài toán, HS nên được khuyến khích kiểm tra bài cho nhau hoặc giúp bạn nếu bạn làm sai, không làm được bài. Khi học tập đọc, HS nên được khuyến khích đọc cho nhau nghe và sửa lại nếu bạn đọc sai,...
GV hướng dẫn tỉ mỉ và dần hình thành cho HS thói quen giúp đỡ bạn đúng cách, tránh làm thay, làm hộ bạn. Nên hỏi: Em thấy ý kiến của bạn như thế nào, vì sao? Em hiểu ý kiến đó như thế nào? Liệu còn có cách làm nào, ý kiến nào khác, vì sao? Nên như thế nào thì hơn? Còn câu hỏi, thắc mắc nào nữa?...
Với những HS có cá tính, chưa có tinh thần hợp tác hoặc ít hoà đồng, TS Nguyễn Vinh Hiểm cho rằng, GV phải làm công tác tư tưởng cho HS để cuối cùng em đó cũng được lớp chấp nhận.
Ví dụ, GV kiên trì động viên, khích lệ để em đó không xấu hổ, không ngại để nhờ các bạn giúp đỡ, giải thích những điều còn chưa hiểu; đồng thời GV khuyên các bạn khác nhiệt tình trao đổi, giúp đỡ và gần gũi với bạn hơn.
Bồi dưỡng nhóm trưởng
GV phải bồi dưỡng cho nhóm trưởng, thậm chí GV phải đóng vai, làm mẫu nhóm trưởng để các nhóm trưởng học theo và biết điều hành có kết quả hoạt động của nhóm, sao cho nhóm hoạt động có tổ chức, từng người nói, từng người phát biểu, góp ý, không để bạn nào đứng ngoài hoạt động nhóm:
Mọi người lắng nghe nhận xét, góp ý hoặc tiếp thu ý kiến của bạn. Ai cũng có ý kiến, không để một người nói quá nhiều, nói tranh phần người khác;
Các bạn học yếu, bạn nhút nhát được ưu tiên phát biểu trước, phát biểu nhiều hơn. Bạn học giỏi nói sau cùng, chỉ nói điều quan trọng, điều cần thiết;
Nhóm trưởng phải tôn trọng mọi người, không là người “thống trị” nhóm, không áp đặt, không cản trở mọi người phát biểu.
Hải Bình
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn