GÓI TẦM SOÁT UNG THƯ CHUYÊN SÂU I

Động lực làm việc của giáo viên phổ thông

Thứ ba - 21/11/2017 10:53

 

Động lực làm việc của giáo viên phổ thông
GD&TĐ -  3 yếu tố quan trọng làm hạn chế động lực làm việc của giáo viên, liên quan đến điều kiện làm việc, điều kiện sống và sự ổn định trong công việc.

TS. Hoàng Gia Trang - Trưởng phòng nghiên cứu tâm lý học, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) và đồng nghiệp đã thực hiện khảo sát với giáo viên tại 18 trường thuộc 6 huyện của 3 tỉnh (Hà Nội, Gia Lai và Long An). Kết quả cho thấy, phần lớn thầy cô được hỏi đều mong muốn gắn bó lâu dài với nghề. Tuy nhiên, có 3 yếu tố làm hạn chế động lực làm việc của giáo viên, liên quan đến điều kiện làm việc, điều kiện sống và sự ổn định trong công việc.

Tâm tình người giáo viên

 "Chúng tôi xuống thăm một trường ở tỉnh Long An, để đến trường phải đi đò; các giáo viên cho biết nơi ở của họ như ốc đảo, thiếu nước sạch sinh hoạt; sau giờ dạy học muốn đi đâu cũng khó vì không có đò vào buổi tối". 
 TS Hoàng Gia Trang

TS. Hoàng Gia Trang cho biết, trong cuộc khảo sát nhỏ nói trên, phần lớn giáo viên cho rằng, sự tôn trọng của xã hội, của cha mẹ học sinh (HS) với thầy cô; sự trưởng thành của HS là nguồn động viên to lớn để họ tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục. Đó được coi là những phần thưởng tinh thần vô giá, nhờ vậy mà không ít giáo viên đã vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt công việc được giao.

Nhiều chính sách hiện hành cũng đã tác động tích cực đến động lực làm việc của giáo viên, như phụ cấp ưu đãi; phụ cấp thu hút; phụ cấp thâm niên. Gần đây nhất, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học, THCS, THPT trong hệ thống giáo dục công lập thành 3 hạng khác nhau. Từ đó, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, rèn luyện để đạt thứ hạng cao hơn.

Ngoài ra, các chính sách khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ; những hoạt động tại cộng đồng và các trường học cũng góp phần tăng cường sự gắn bó, say mê của giáo viên đối với công việc; thúc đẩy giáo viên làm việc nhiệt tình, chủ động, sáng tạo và tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận vẫn còn tồn tại một số khó khăn ảnh hưởng đến động lực làm việc của đội ngũ giáo viên, liên quan đến điều kiện làm việc, điều kiện sống và sự ổn định trong công việc.

Chia sẻ về điều này, TS Hoàng Gia Trang cho rằng, trong những năm vừa qua, cơ sở vật chất trường, lớp đã có những bước cải thiện đáng kể. Song ở một số nơi, các trường học vẫn thiếu trang thiết bị dạy học như: máy chiếu, máy tính, tranh ảnh minh họa, thiết bị thí nghiệm... để thuận lợi cho đội ngũ giáo viên thực thi nhiệm vụ. Công tác bồi dưỡng giáo viên còn chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giáo dục lồng ghép, thanh tra, kiểm tra, dạy chuyên đề, tập huấn, các cuộc thi, kiêm nhiệm các công việc khác trong trường nên khiến giáo viên cảm thấy quá tải, mệt mỏi…

Đời sống vật chất của giáo viên các cấp học ở nhiều địa phương còn khó khăn so với mức sống chung của xã hội. Ngoài lương hàng tháng, một bộ phận không nhỏ giáo viên không có nguồn thu nào khác. Điều kiện sinh sống của các giáo viên vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập.

"Chúng tôi xuống thăm một trường ở tỉnh Long An, để đến trường phải đi đò; các giáo viên cho biết nơi ở của họ như ốc đảo, thiếu nước sạch sinh hoạt; sau giờ dạy học muốn đi đâu cũng khó vì không có đò vào buổi tối" - TS Hoàng Gia Trang chia sẻ.

Liên quan đến sự ổn định trong công việc, hiện có nhiều giáo viên phải chấp nhận kí hợp đồng với trường, hoặc huyện để chờ cơ hội vào biên chế. Nhiều trường hợp cống hiến 5 năm, 10 năm vẫn không được tuyển dụng biên chế chính thức nên khiến giáo viên có tâm lí bất an, luôn lo lắng bị dừng hợp đồng bất cứ lúc nào. Điều này làm cho họ không thể toàn tâm, toàn ý đầu tư cho sự nghiệp trồng người.

gg

4 đề xuất tăng cường động lực làm việc cho giáo viên

Đề xuất đầu tiên là tăng cường chế độ phúc lợi cho giáo viên.

"Mới đây, Bộ GD&ĐT chủ trương không tổ chức các cuộc thi trên mạng internet (Toán, Tiếng Anh) cũng góp phần giảm áp lực cho giáo viên. Tuy nhiên, cần hạn chế hơn nữa những hoạt động thi đua mang tính hình thức, không cần thiết để giảm áp lực cho giáo viên và tạo động lực tốt hơn cho họ trong dạy học" - TS Hoàng Gia Trang

"Ngoài lương, phụ cấp, cần quan tâm đến phúc lợi cho giáo viên để họ không phải ái ngại mỗi khi các ngày lễ, tết đến. Kết quả khảo sát yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của giáo viên với công việc cho thấy, chế độ tiền lương và phúc lợi là yếu tố thứ 3 tác động đến mức độ hài lòng của giáo viên đối với công việc.

Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất thì cũng cần chú ý tới đời sống tinh thần cho giáo viên thông qua những hoạt động tham quan, giao lưu để làm giàu thêm vốn sống, tri thức cho các kĩ sư tâm hồn - TS Trang chia sẻ.

Đề xuất liên quan đến môi trường làm việc, TS Hoàng Gia Trang cho rằng, cần quan tâm, chú trọng xây dựng văn hóa trường học tích cực; tạo điều kiện cho giáo viên phát huy khả năng sáng tạo; tạo ra sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau của các giáo viên nhằm phát triển chuyên môn; có sự ghi nhận, đánh giá công bằng, công khai, dân chủ với thành tích của giáo viên.

Tạo môi trường làm việc tích cực còn thể hiện qua tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, được trao đổi, bàn bạc công khai các hoạt động của trường học; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sắp xếp thời gian giảng dạy hợp lí, tạo môi trường cảnh quan sư phạm thân thiện...

Nhấn mạnh tăng cường chính sách bồi dưỡng giáo viên, theo TS Hoàng Gia Trang, cần xây dựng các quy định về bồi dưỡng giáo viên. Có những hoạt động do cơ quan quản lí giáo dục cấp trên tổ chức, nhưng cũng có thể có những nội dung giao cho các trường, hoặc cụm trường thực hiện dựa trên nhu cầu của giáo viên và định hướng phát triển của các nhà trường.

Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính để giáo viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn và bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như tích cực thi nâng hạng cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Cuối cùng, TS Hoàng Gia Trang cho rằng, cần giảm áp lực thành tích đối với giáo viên. Các cuộc thi, thao giảng chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm, luyện thi HSG, chỉ tiêu học sinh khá, giỏi, danh hiệu thi đua của cá nhân và tập thể, tổ chức các phong trào, tỉ lệ học sinh chuyển cấp, học sinh tốt nghiệp... khiến cho giáo viên mất nhiều thời gian, tâm sức.

"Mới đây, Bộ GD&ĐT chủ trương không tổ chức các cuộc thi trên mạng internet (Toán, Tiếng Anh) cũng góp phần giảm áp lực cho giáo viên. Tuy nhiên, cần hạn chế hơn nữa những hoạt động thi đua mang tính hình thức, không cần thiết để giảm áp lực cho giáo viên và tạo động lực tốt hơn cho họ trong dạy học" - TS Hoàng Gia Trang nêu quan điểm.

"Đội ngũ giáo viên phổ thông chiếm số lượng đông đảo trong số viên chức ngành giáo dục. Trình độ đào tạo của đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng lên đạt chuẩn quy định. Một tỉ lệ đáng kể giáo viên phổ thông các cấp đạt mức trên chuẩn. Trình độ đào tạo của giáo viên được nâng lên là dấu hiệu đáng mừng, là yếu tố góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông".
   TS Hoàng Gia Trang

Hiếu Nguyễn
 

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay845
  • Tháng hiện tại39,955
  • Tổng lượt truy cập6,356,714

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây