Những đề toán sinh động của 2 cô giáo trường huyện

Thứ hai - 23/10/2017 00:34

 

2 cô giáo Giang Thị Phương và Nguyễn Thu Phương tại hội thảo chuyên môn về dạy học phát triển năng lực do Trường THPT Dương Quảng Hàm, Hưng Yên tổ chức ngày 12,13/10/2017

(2 cô giáo Giang Thị Phương và Nguyễn Thu Phương tại hội thảo chuyên môn về dạy học phát triển năng lực do Trường THPT Dương Quảng Hàm, Hưng Yên tổ chức ngày 12,13/10/2017)

GD&TĐ - Sau hơn 1 năm biên soạn, áp dụng vào giảng dạy đổi mới theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, hai cô giáo Giang Thị Phương và Nguyễn Thu Phương (Trường THPT Dương Quảng Hàm, Hưng Yên) đã có trong tay những bài toán mang hơi thở cuộc sống, khiến học sinh thích thú và yêu hơn môn Toán.

Thực tiễn làm môn Toán hấp dẫn hơn

Toán học là môn khoa học gắn liền với thực tiễn. Tuy nhiên, bài tập thực tiễn vẫn không được sử dụng rộng rãi trong quá trình dạy học toán học ở phổ thông.

Chia sẻ lý do bắt tay thực hiện đề tài về liên quan đến Toán học, cô Giang Thị Phương cho rằng, vẫn còn giáo viên dạy chỉ quan tâm đến việc truyền thụ những lý thuyết, công thức cơ bản áp dụng vào tính toán, giải bài tập giúp học sinh trong quá trình thi cử.

Không ít giáo viên chưa thực sự quan tâm đúng mức thường xuyên tới việc làm rõ mối liên hệ giữa toán học với thực tiễn cuộc sống. Hoặc nếu có liên hệ với thực tiễn thì chỉ đơn giản ở các phương pháp dạy học diễn giải thuyết trình truyền thống.

Mặt khác, trong kiểm tra đánh giá, đa số còn mang tính truyền thống với việc đưa ra câu hỏi mang tính lý thuyết, công thức; việc vận dụng kiến thức trong thực tiễn, trong lao động sản xuất còn hạn chế.

“Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới việc học sinh vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống lao động, sản xuất, phát triển năng lực của học sinh một cách toàn diện” – cô Giang Thị Phương chia sẻ.

Còn cô Nguyễn Thu Phương thì cho biết, trong thực tế giảng dạy, đôi khi gặp những câu hỏi của học sinh: học phần này để làm gì, có ứng dụng gì không?” – thể hiện mong muốn tìm hiểu mối liên quan giữa tình huống thường gặp trong cuộc sống và kiến thức được học.

“Nếu khai thác và sử dụng bài tập thực tiễn trong dạy học, kiểm tra đánh giá sẽ đem lại hiệu quả giáo dục cao hơn, tăng sức hút, tính ứng dụng của môn học, bài học thêm sinh động, tăng hiệu quả dạy và học, góp phần phát triển tư duy, phát triển năng lực học sinh” – cô Nguyễn Thu Phương cho hay.

Học sinh tiếp thu tốt kiến thức trong nhà trường chưa đủ

Hướng vào nội dung bất phương trình bậc nhất 2 ẩn, hai cô giáo miệt mài nghiên cứu cơ sở lý luận việc đổi mới chương trình giáo dục môn Toán, phương pháp đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh và tài liệu về bất phương trình bậc nhất 2 ẩn”.

Sau đó mới xây dựng giáo án theo đầy đủ các bước và hệ thống bài tập thực tiễn; rồi cùng lựa chọn những bài tập phù hợp với nội dung và đối tượng dạy học, gắn liền với cuộc sống ở địa phương.

Để thiết kế dạy học theo hướng sử dụng bài tập thực tiễn phát triển năng lực cho học sinh, 2 cô lưu ý, điều đầu tiên cần làm là xác định mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ; sau đó xác định một số vấn đề thực tiễn và xây dựng hệ thống các ví dụ và bài toán có nội dung thực tiễn.

Cũng cần lưu ý quy trình để giải các bài toán thực tế áp dụng hệ bất phương trình bậc nhất hai ẩn với 3 bước: Đọc hiểu đề bài, chuyển các bài toán thực tế sang hệ bất phương trình bậc nhất hai ẩn; Giải hệ bất phương trình bậc nhất hai ẩn; Căn cứ vào giải hệ bất phương trình bậc nhất hai ẩn để kết luận.

“Chúng tôi hướng vào bất phương trình bậc nhất hai ẩn vì đây là một mảng kiến thức hay, có nhiều ứng dụng trong đời sống và kinh tế nhưng số lượng các bài toán ứng dụng của phần này ở hầu hết các sách còn rất ít” – cô Phương cho biết.

Chia sẻ về các hình thức sử dụng bài tập thực tiễn trong dạy học, hai cô giáo cho rằng, giáo viên có thể đưa ra các tình huống qua bài tập thực tiễn; đặt ra các câu hỏi thông qua bài tập thực tiễn; dùng bài tập thực tiễn để đặt ra câu hỏi về một tình huống thực tế, mô tả các hiện tượng trong cuộc sống thường ngày… Đồng thời nhấn mạnh, bài tập thực tiễn có thể được sử dụng ở tất cả các giai đoạn của quá trình dạy học.

“Hiện nay, học sinh tiếp thu tốt các kiến thức trong nhà trường chưa đủ. Giáo viên cần giúp các em cập nhật thường xuyên những vấn đề, sự việc, hiện tượng đang diễn ra trong cuộc sống.

Thầy cô phải việc cung cấp thông tin và định hướng thông tin khi đứng trên bục giảng để học sinh nắm bắt, chuyển hóa những thông tin trong xã hội thành nhận thức, tình cảm và hành động của mình.

Để làm được điều này, đòi hỏi người giáo viên ngoài việc bồi dưỡng nâng cao năng lực soạn giảng, kỹ năng đứng lớp, cần phải thường xuyên nghe đài, xem tivi, đọc sách báo gần gũi với đời sống để am hiểu, nắm bắt tình hình mới tích lũy được vốn kiến thức và một số hiện tượng, sự kiện ngoài sách vở” – 2 cô giáo nêu quan điểm.

Một số hình ảnh phiếu học tập được hai cô Giang Thị Phương và Nguyễn Thu Phương sử dụng trong thực tiễn dạy học:

Tham khảo những bài tập thực tiễn sinh động của cô giáo Giang Thị Phương và Nguyễn Thu Phương TẠI ĐÂY

Hải Bình

 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,464
  • Tháng hiện tại34,518
  • Tổng lượt truy cập6,197,384

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây