GÓI TẦM SOÁT UNG THƯ CHUYÊN SÂU I

Hướng dẫn quy trình, các văn bản, chương trình Đại hội cơ sở Đoàn trực thuộc

Thứ tư - 21/09/2016 14:10

HƯỚNG DẪN

Quy trình, các văn bản, chương trình Đại hội cơ sở Đoàn trực thuộc

Để chuẩn bị tốt cho Đại hội các cơ sở Đoàn trực thuộc nhiệm kỳ 2016 - 2017, BTV Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh hướng dẫn các văn bản, chương trình Đại hội Đoàn cấp cơ sở cụ thể như sau:

I. THÀNH PHẦN, CÁC VĂN BẢN TRÌNH KHI XÉT DUYỆT ĐẠI HỘI

1. Thành phần xét duyệt Đại hội:

- Đại diện cấp uỷ Đảng của cơ quan, đơn vị.

- Đại diện Đoàn cấp trên.

- BCH cơ sở Đoàn.

2. Các văn bản trình khi xét duyệt:

- Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng nhiệm kỳ mới, báo cáo kiểm điểm của BCH nhiệm kỳ cũ.

- Chương trình Đại hội.

- Dự kiến Đoàn Chủ tịch, Ban thẩm tra tư cách đại biểu (đối với đại hội đại biểu), Thư ký đại hội.

- Dự kiến cơ cấu BCH (Đề án nhân sự).

- Danh sách trích ngang BCH, BTV, Bí thư, Phó bí thư dự kiến (Chuẩn bị BCH phải có số dư)

- Dự kiến nhân Đại biểu dự Đại hội Đoàn Khối khoá V (Chuẩn bị Đại biểu chính thức có số dư và Đại biểu dự khuyết dự kiến).

- Dự kiến Ban kiểm phiếu.

- Bài phát biểu khai mạc, bế mạc, phân công tham luận của đại hôi.

II. XÂY DỰNG ĐỀ ÁN BCH ĐOÀN NHIỆM KỲ MỚI:

1. Tiêu chuẩn của Uỷ viên BCH:

- Có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

- Có đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ tốt; có lối sống trung thực, lành mạnh, không cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, có tinh thần đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cán bộ, đoàn viên thanh niên.

- Có khả năng tham mưu, hoạch định và xây dựng các nội dung, chương trình công tác, có năng lực triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đoàn, chương trình công tác của cơ quan, đơn vị trong phạm vi trách nhiệm được giao; có khả năng đoàn kết tập hợp thanh niên; có trình độ chuyên môn, kỷ năng nghiệp vụ công tác thanh vận, ngoại ngữ, tin học và có độ tuổi phù hợp với vị trí công tác; gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm đối với công việc, được rèn luyện từ thực tiễn phong trào thanh niên, được đoàn viên thanh niên tín nhiệm; là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoặc Đoàn viên ưu tú.

2. Số lượng Uỷ viên BCH:

- Chi đoàn có dưới 9 Đoàn viên bầu Bí thư, nếu cần thiết thì có thể bầu 1 Phó Bí thư. Có 9 Đoàn viên trở lên thì bầu BCH có từ 3 - 5 Uỷ viên, trong đó có Bí thư và Phó Bí thư.

- Đoàn cơ sở bầu BCH có từ 5 - 15 Uỷ viên. Nếu BCH có dưới 9 Uỷ viên thì có Bí thư và 1 Phó Bí thư; có 9 Uỷ viên trở lên thì bầu Ban thường vụ gồm Bí thư, Phó Bí thư và các Uỷ viên BTV (số lượng Uỷ viên BTV không quá 1/3 số lượng Uỷ viên BCH; trường hợp cần thiết có thể bầu 02 Phó Bí thư sau khi được sự đồng ý của cấp uỷ Đảng cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp).

- Danh sách bầu cử BCH, BTV khoá mới phải có số dư so với số lượng cần bầu.

3. Cơ cấu:

- Cán bộ Đoàn kiêm nhiệm ở cơ sở (lưu ý tính kế thừa, liên tục của cán bộ Đoàn)

- Đoàn viên tiêu biểu có điều kiện và khả năng quy hoạch cán bộ nguồn.

- Chú trọng tỷ lệ nam nữ, cán bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế - xã hội, cán bộ trưởng thành từ phong trào thanh niên.

- Độ tuổi đảm bảo tính kế thừa và lâu dài.

III. CÁC THỦ TỤC TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP

  1. Đại biểu, Đoàn chủ tịch, Thư ký, Ban kiểm phiếu, Ban thẩm tra tư cách đại biểu:

a. Đại biểu:

- Số lượng đại biểu Đại hội Đoàn cấp nào do BCH cấp triệu tập Đại hội quyết định.

- Chi đoàn tổ chức Đại hội Đoàn viên, Đoàn cơ sở có dưới 120 Đoàn viên thanh niên nếu khó khăn về điều kiện tổ chức Đại hội đoàn viên thì tổ chức đại hội đại biểu nếu được Đoàn cấp trên trực tiếp và cấp uỷ Đảng cùng cấp đồng ý. Số lượng đại biểu dự Đại hội đại biểu được triệu tập tối thiểu phải đạt 2/3 đoàn viên thuộc Đoàn cơ sở. Đoàn cơ sở có trên 120 Đoàn viên thanh niên thì tiến hành Đại hội đại biểu. Đại biểu được bầu là đại biểu chính thức của Đại hội cấp dưới và đảm bảo tiêu chuẩn là những cán bộ, đoàn viên ưu tú, có trình độ và khả năng đóng góp ý kiến vào những quyết định của Đại hội.

b. Đoàn chủ tịch:

* Cách bầu: BCH cấp triệu tập Đại hội dự kiến Đoàn Chủ tịch là những đại biểu chính thức của đại hội (Số lượng từ 3-5 thành viên, nhất thiết phải có đồng chí Bí thư đương nhiệm).

Nếu đại biểu đại hội không giới thiệu thêm thì có thể biểu quyết một lần toàn bộ danh sách. Nếu đại biểu giới thiệu thêm thì biểu quyết lần lượt từng người một để lấy những người có tín nhiệm cao hơn.

* Trách nhiệm của Đoàn chủ tịch:

- Điều khiển đại hội theo chương trình đã được đại hội quyết định, hướng dẫn đại hội thảo luận, phê chuẩn các báo cáo của BCH, quyết định phương hướng nhiệm vụ công tác Đoàn nhiệm kỳ tới và những vấn đề có liên quan.

- Quyết định việc lưu hành các tài liệu và kết luận các vấn đề của đại hội.

- Đoàn chủ tịch lãnh đạo việc bầu cử đại hội bao gồm các nội dung sau:

+ Quán triệt tiêu chuẩn, số lượng cơ cấu của BCH và đại biểu dự đại hội Đoàn cấp trên (nếu có), hướng dẫn để đại hội dự thảo luận.

+ Hướng dẫn ứng cử, đề cử BCH và đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên (nếu có).

+ Tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử, quyết định cho rút tên hay không cho rút tên trong danh sách bầu cử.

+ Lập danh sách bầu cử, lấy biểu quyết của đại hội thông qua danh sách bầu cử.

+ Giới thiệu số lượng, danh sách Ban kiểm phiếu, Trưởng Ban kiểm phiếu để Đại hội biểu quyết, điều hành hoạt động của Ban kiểm phiếu.

+ Giải quyết những thắc mắc của đại biểu về nhân sự trong quá trình chuẩn bị bầu cử.

- Giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình Đại hội.

- Điều khiển thông qua Nghị quyết đại hội

- Bế mạc đại hội.

* Ghi chú: Đoàn Chủ tịch có trách nhiệm điều hành từ lúc khai mạc đến lúc bế mạc Đại hội.

c. Ban thẩm tra tư cách đại biểu.

* Quy trình bầu: Tiến hành như bầu Đoàn Chủ tịch (đối với Đại hội toàn thể đoàn viên không bầu ban kiểm tra tư cách đại biểu, việc xem xét tư cách đại biểu do Đoàn Chủ tịch quyết định).

Trách nhiệm của Ban thẩm tra tư cách đại biểu:

- Tổng hợp và báo cáo về tình hình dự Đại hội (Tổng số đại biểu, tình hình đại biểu, phân tích chất lượng đại biểu)

- Giải quyết các đơn thư tố cáo, khiếu nại về tư cách đại biểu tổng hợp trình đại hội những trường hợp xét thấy không đủ tư cách đại biểu để đại hội xem xét quyết định.

- Xét tư cách đại biểu do cấp dưới bầu lên, theo dõi hoạt động của đại biểu tại Đại hội.

d. Ban kiểm phiếu:

* Bầu ban kiểm phiếu: Tiến hànhnhư bầu Đoàn Chủ tịch (lưu ý thành viên BKP không có tên trong danh sách bầu cử).

* Trách nhiệm của Ban kiểm phiếu:

- Hướng dẫn nguyên tắc thủ tục và cách tiến hành bỏ phiếu

- Phát phiếu thu phiếu và kiểm phiếu

- Xem xét tập thể và báo cáo với Đoàn Chủ tịch hoặc Đại hội quyết định những trường hợp vi phạm nguyên tắc bầu cử trong Đại hội.

- Lập biên bản bầu cử, công bố kết quả bầu cử, niêm phong phiếu bầu và chuyển cho Đoàn Chủ tịch Đại hội để bàn giao cho BCH khoá mới lưu trữ theo quy định.

e. Thư ký đại hội:

* Thư ký đại hội: Do Đoàn Chủ tịch quyết định số lượng và lựa chọn danh sách người cụ thể trước để báo cáo với Đại hội (khoảng 1 đến 2 đồng chí).

* Trách nhiệm của Thư ký:

- Ghi biên bản đại hội, tổng hợp ý kiến phát biểu, các biểu quyết.

- Dự thảo Nghị quyết đại hội

- Nhận đọc thư, điện chào mừng Đại hội.

2. Công tác bầu cử:

- Việc bầu các uỷ viên BCH, BTV, Bí thư, Phó Bí thư, đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên (nếu có) được tiến hành bằng bỏ phiếu kín.

- Đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Đoàn khoá cũ có trách nhiệm triệu tập phiên họp thứ nhất của BCH khóa mới và chủ trì để bầu chủ tọa Hội nghị điều hành bầu BTV, Bí thư và Phó Bí thư.

- BCH có quyền quyết định số lượng uỷ viên BTV, số lượng uỷ viên BTV không quá số lượng 1/3 số lượng uỷ viên BCH.

* Phiếu bầu:

- Phiếu bầu hợp lệ:

Là phiếu do Ban tổ chức Đại hội phát hành. Phiếu bầu được in sẵn hoặc viết tay danh sách bầu cử do Đại hội đã thông qua theo vần chữ cái A, B, C...Nếu danh sách bầu cử nhiều, để tránh nhầm lẫn trong khi bầu, có thể in hoặc viết danh sách theo từng khu vực hoặc đối tượng (Theo vần chữ cái trong từng khu vực và đối tượng đó).

- Phiếu bầu không hợp lệ:

Là phiếu bầu thừa so với số lượng đã được Đại hội quyết định; phiếu không bầu ai (phiếu trắng) phiếu xoá giữa hai dòng chữ ghi họ tên người trong phiếu không rõ bầu ai, bỏ ai; phiếu viết tên người ngoài danh sách bầu cử được Đại hội thông qua; phiếu có ký hiệu riêng, phiếu ký tên người bầu; phiếu không có dấu của BCH cấp triệu tập Đại hội (trừ Đại hội chi đoàn trực thuộc Đoàn cơ sở).

Trường hợp số lượng định bầu là một người và danh sách bầu cử do Đại hội đã thông qua chỉ là một người thì phiếu bầu có 2 ô "đồng ý" và "không đồng ý"

Phiếu bầu thiếu so với số lượng đã được Đại hội quyết định vẫn là phiếu hợp lệ.

* Điều kiện trúng cử:

- Khi bầu cử hoặc biểu quyết phải đạt trên 1/2 số phiếu bầu hoặc trên 1/2 số người tán thành thì người được bầu mới trúng cử và nghị quyết mới có giá trị.

+ Trường hợp đã bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng đã quyết định bầu lần thứ hai để lựa chọn trong số còn lại của danh sách bầu cử. Nếu bầu lần thứ hai vẫn chưa đủ, thì việc có bầu tiếp hay không do đại hội, hội nghị quyết định.

+ Nếu số người được quá 1/2 số phiếu bầu nhiều hơn số lượng người được bầu thì chỉ lấy đủ số lượng và lấy từ trên xuống.

+ Trường hợp bầu nhiều lần mà vẫn thiếu số lượng định bầu thì không nên tiến hành bầu thêm nữa. Nếu là đại biểu đi dự Đại hôi đại biểu, đi dự đại hội Đoàn cấp trên thì báo cáo để BCH cấp triệu tập đại hội quyết định.

- Bầu đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên nhất thiết phải bầu đại biểu dự khuyết, số lượng đại biểu dự khuyết thực hiện theo hướng dẫn của cấp triệu tập đại hội. Không lấy những người không được quá 1/2 số phiếu bầu đại biểu chính thức làm đại biểu dự khuyết mà không tiến hành bầu cử.

* Việc bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội Chi đoàn và Đoàn cơ sở

Việc bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội áp dụng với những Chi đoàn, Đoàn cơ sở được xếp loại chất lượng từ vững mạnh trở lên (nếu được đại hội đồng ý). Tiến hành bầu theo 1 trong các cách sau đây:

- Đại hội bầu BCH, sau đó bầu Bí thư trong số các uỷ viên BCH

- Đại hội bầu Bí thư sau đó bầu số uỷ viên BCH còn lại

- Phó Bí thư, các uỷ viên BTV (nếu có) do BCH bầu.

- Trường hợp Chi đoàn có từ 3-8 đoàn viên thì tiến hành bầu trực tiếp Bí thư hoặc Phó Bí thư tại Đại hội.

3. Chương trình đại hội:

- Văn nghệ (nếu có)

- Chào cờ hát quốc ca và bài hát chính thức của Đoàn (hát cùng nhạc, nhạc hát lời thứ nhất).

- Bầu Đoàn chủ tịch

- Giới thiệu thư ký đại hội

- Khai mạc đại hội (tuyên bố lý do, mục đích, giới thiệu đại biểu, tuyên bố khai mạc...)

- Bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu (trừ Đại hội đoàn viên)

- Thông qua chương trình và thời gian làm việc của đại hội

- Báo cáo kết quả thẩm tra và biểu quyết tư cách đại biểu (nếu có)

- Trình bày báo cáo chính trị của đại hội (Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cũ, phương hướng nhiệm kỳ mới, Báo cáo kiểm điểm của BCH)

- Tham luận, thảo luận các báo cáo, góp ý đối với Báo cáo của Đoàn cấp trên (nếu có)

- Phát biểu ý kiến của đại biểu cấp uỷ, Đoàn cấp trên.

- Trình bày và biểu quyết thông qua đề án nhân sự của BCH, đại hội thảo luận và ứng cử, đề cử người vào BCH mới.

- Bầu ban kiểm phiếu

- Bầu cử, công bố kết quả bầu cử

- Bầu cử Bí thư trực tiếp hoặc Hội nghị BCH lần thứ nhất bầu các chức danh chủ chốt (Có đại diện cấp uỷ Đảng và Đoàn cấp trên tham dự).

- BCH khóa mới ra mắt đại hội, nhận nhiệm vụ.

- Bầu Đoàn Đại biểu dự Đại hội Đoàn Khối (Bắt buộc có số dư khi bầu Đại biểu chính thức và phải bầu Đại biểu dự khuyết).

- Chia tay BCH cũ, trưởng thành Đoàn hoặc khen thưởng (nếu có).

- Thông qua nghị quyết đại hội.

- Tổng kết bế mạc đại hội.

- Chào cờ (không hát quốc ca).

4. Hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo kết quả lên Đoàn cấp trên:

- Biên bản đại hội có chữ ký của Thư ký đại hội và người đại diện Đoàn Chủ tịch.

- Các biên bản bầu cử có chữ ký của Ban Kiểm phiếu và người thay mặt Đoàn Chủ tịch hoặc chủ tọa Đại hội.

- Danh sách trích ngang BCH mới có chức danh cụ thể theo thứ tự Bí thư, Phó Bí thư, uỷ viên thường vụ, uỷ viên chấp hành có chữ ký của người đại diện Đoàn chủ tịch.

- Danh sách trích ngang đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên gồm đại biểu chính thức và đại biểu dự khuyết(nếu có).

- Nghị quyết Đại hội.

- Tờ trình đề nghị Đoàn cấp trên ra quyết định chuẩn y BCH (có xác nhận của cấp uỷ cùng cấp).

Ghi chú: Hồ sơ Đại hội được hoàn thành, trình Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh công nhận chậm nhất không quá 7 ngày kể từ ngày kết thúc Đại hội. Các văn bản trên phải đóng dấu treo của của BCH cơ sở Đoàn.

 

Trên đây là hướng dẫn một số văn bản và chương trình đại hội Đoàn cơ sở và Chi đoàn trực thuộc nhiệm kỳ 2012 - 2014, BTV Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh đề nghị BCH các cơ sở Đoàn nghiên cứu hướng dẫn tổ chức Đại hội đúng Điều lệ và tiến độ thời gian đã đề ra.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,824
  • Tháng hiện tại27,015
  • Tổng lượt truy cập6,343,774

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây